Danh mục

Thông tin tuyển sinh chung

Câu hỏi 1: Em có thể đồng thời tham gia nhiều phương thức tuyển sinh của UEH hay không ạ?

Các phương thức xét tuyển là độc lập nhau. Em có thể đăng ký xét tuyển nhiều phương thức để gia tăng khả năng trúng tuyển của mình em nhé!

Câu hỏi 2: Theo phương thức 3 và phương thức 4, Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, giải HSG cấp tỉnh/thành phố và trường chuyên có bắt buộc không?

Em chỉ cần thoả mục "Điều kiện đăng ký xét tuyển" là em đã có thể nộp hồ sơ xét tuyển phương thức mà mình muốn rồi nhé. Cụ thể là:

- Đối với Phương thức 3 - Xét tuyển học sinh Giỏi (PT3): 

+ Học sinh Giỏi, hạnh kiểm Tốt cả năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của chương trình THPT theo hình thức giáo dục chính quy, 

+ Tốt nghiệp THPT năm 2023 (tức hiện đang học lớp 12).

- Đối với Phương thức 4 - Xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn (PT4)

+ Điểm trung bình tổ hợp môn đăng ký xét tuyển >= 6.50 cho CẢ NĂM lớp 10, CẢ NĂM lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của chương trình THPT theo hình thức giáo dục chính quy (UEH KHÔNG xét 05 học kỳ nhé em). 

+ Tốt nghiệp THPT từ năm 2023 trở về trước.

Hiện tại UEH chưa công bố Đề án tuyển sinh chi tiết, em vui lòng đợi thêm một khoảng thời gian nữa nhé!

Câu hỏi 4: Cách quy đổi điểm của giải Học sinh giỏi, IELTS và trường chuyên/năng khiếu ạ?

Cách quy đổi điểm của từng tiêu chí sẽ được quy định trong bảng điểm quy đổi. Bảng điểm quy đổi các tiêu chí sẽ được quy định trong Đề án tuyển sinh chi tiết. Hiện tại, UEH chưa công bố Đề án này, em vui lòng đợi UEH thêm một khoảng thời gian ngắn nữa nhé!

Câu hỏi 5: Theo phương thức 3 và 4, cần phải là học sinh của những trường nhất định mới được xét tuyển không ạ?

Không em nhé! Các phương thức tuyển sinh áp dụng cho học sinh của tất cả các trường trong cả nước. Em chỉ cần thoả mục "Điều kiện đăng ký xét tuyển" thì em có thể nộp hồ sơ tham gia xét tuyển rồi.

Câu hỏi 6: Theo phương thức 3, mình phải xét học lực 5 học kì luôn ạ? Em có học lực khá học kỳ 1 lớp 10 nhưng cả năm lớp 10 học lực giỏi thì có được đăng ký không ạ?

Ở phương thức 3 - Xét tuyển học sinh Giỏi, điểm trung bình học lực được tính theo từng lớp. Đối với lớp 10 là điểm trung bình cả năm, tương tự đối với lớp 11 cũng là điểm trung bình cả năm. Riêng đối với lớp 12 thì chỉ xét đến điểm trung bình Học kỳ 1 thôi. Em có thể tham khảo thông tin tuyển sinh của Trường tại trang http://tuyensinh.ueh.edu.vn/ 

Câu hỏi 7: Theo phương thức 3, tiêu chí đạt Học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố của lớp nào được công nhận ạ?

UEH sẽ chấp nhận các giải thưởng (Nhất, Nhì, Ba) kỳ thi chọn học sinh Giỏi THPT cấp tỉnh, cấp thành phố (trực thuộc trung ương) của cả 3 khối lớp 10, 11, 12 và chọn giải cao nhất để tính điểm xét tuyển.

Câu hỏi 8: Em tốt nghiệp năm 2021 có được xét không ạ?

Em có thể tham gia xét tuyển theo phương thức 4, 5, 6 em nhé.

Câu hỏi 9: Cho em hỏi bên ISB vẫn xét tuyển giống phương thức này luôn hay sao ạ?

Chương trình Cử nhân tài năng ISB xét tuyển theo các phương thức:

1. Phương thức Xét tuyển thẳng đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

2. Phương thức Xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế.

3. Phương thức Xét tuyển học sinh Giỏi

4. Phương thức Xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn

5. Phương thức Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Em có thể tham khảo các phương thức tuyển sinh của Viện Đào tạo quốc tế (ISB) tại trang https://isb.edu.vn/tuyen-sinh-cu-nhan/chuong-trinh-cu-nhan-tai-nang-isb-bbus/

Để được tư vấn thêm thông tin, em vui lòng liên hệ:

Email: tuyensinh@isb.edu.vn

Địa chỉ: 17 Phạm Ngọc Thạch, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Hotline: (028) 3622 1818

Fanpage: https://www.facebook.com/ueh.isb 

Câu hỏi 10: Giải Olympic và giải toán máy tính Casio có được tính là giải cấp tỉnh, thành phố không ạ?

Hai giải này hiện không được tính là giải thưởng kỳ thi chọn học sinh Giỏi THPT cấp tỉnh, cấp thành phố (trực thuộc trung ương) theo thông tin tuyển sinh của UEH nhé em!

Câu hỏi 11: Năm ngoái khoảng bao nhiêu điểm thì đậu ạ?

Em có thể tham khảo điểm trúng tuyển năm 2022 tại Cổng tuyển sinh UEH: https://tuyensinh.ueh.edu.vn/bai-viet/thong-bao-ket-qua-xet-tuyen-cua-ueh-khoa-48-dai-hoc-chinh-quy-nam-2022-ma-truong-ksa-va-ksv/

Tuy nhiên đây chỉ là thông tin để em tham khảo thêm. Nếu em thoả điều kiện xét tuyển của các phương thức thì cứ mạnh dạn thử sức nộp hồ sơ em nhé. 

Câu hỏi 12: Em muốn đăng ký Phương thức 5. Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực thì đăng ký tại UEH hay đăng ký ĐHQG TP.HCM?

🔹  Thời gian đăng ký DỰ THI kỳ thi Đánh giá năng lực: Từ ngày 01/02 đến 28/02/2023

🔹  Tìm hiểu thêm thông tin và đăng ký dự thi tại trang: http://cete.vnuhcm.edu.vn/thi-danh-gia-nang-luc.html

🌐 Thời gian đăng ký xét tuyển: theo thông báo của UEH.

Em NHỚ thực hiện đầy đủ 02 bước:

- Bước 1: Đăng ký DỰ THI tại Đại học Quốc gia TP.HCM

- Bước 2: Đăng ký XÉT TUYỂN tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - UEH

UEH chỉ xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1 năm 2023

Câu hỏi 13: Làm sao để em có thể nộp hồ sơ xét tuyển?

UEH sẽ có thông báo hướng dẫn cụ thể cách thức đăng ký và nộp hồ sơ xét tuyển vào UEH ở phương thức 3, 4, 5 dự kiến sau 14/3/2023. 

Em vui lòng theo dõi thông tin tại Cổng tuyển sinh: http://tuyensinh.ueh.edu.vn/, fanpage: https://www.facebook.com/tvts.ueh/ hoặc group https://www.facebook.com/groups/k49ueh/

Đối với phương thức 1 và 6, em vui lòng theo dõi các thông báo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và đào tạo tại địa phương và Trường THPT đang theo học.

Câu hỏi 14: Nộp bằng Toeic thì có được miễn học tiếng anh của các học phần sau không? 

Từ khóa 47 trở về sau, sinh viên có các Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế gồm TOEIC, TOEFL, IELTS có điểm số thỏa Điều 3 của Quy định này và còn trong thời hạn hiệu lực sẽ được chuyển điểm quy đổi các học phần tiếng Anh tương ứng. Có thể tham khảo chi tiết tại: http://daotao.ueh.edu.vn/qui-che/1/2021-7-16-quy-dinh-hoc-tieng-anh-va-chuan-trinh-do-tieng-anh-doi-voi-sinh-vien-dai-hoc-chinh-quy-tai-truong-dai-hoc-kinh-te-tp-ho-chi-minh 

Câu hỏi 15: Xem toàn bộ chương trình đào tạo UEH?

- Đối với sinh viên UEH: Để tham khảo chương trình đào tạo, truy cập trang https://student.ueh.edu.vn/Public/TraCuuNganh, mục “Ngành” và chọn chương trình mình muốn tra cứu.
- Đối với người học tiềm năng, dự định thi vào trường: Tham khảo chương trình đào tạo của các ngành tại trang tuyensinhdaihoc.ueh.edu.vn, tại menu chọn Chương trình đào tạo

Câu hỏi 16: Em muốn học chương trình thứ 2 (song ngành, song ngành tích hợp, song chuyên ngành), thì điều kiện xét tuyển là gì ạ? 

Tại thời điểm đăng ký, sinh viên phải thỏa các điều kiện sau:
- Sinh viên có thể đăng ký nguyện vọng học chương trình đào tạo (CTĐT) thứ hai khi đang học năm nhất và chính thức theo học CTĐT thứ hai khi đã được xếp trình độ năm hai của CTĐT thứ nhất.
- Không thuộc diện vi phạm kỷ luật.
- Điều kiện học lực: Thỏa 01 trong 02 điều kiện sau:
   + Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại “KHÁ” trở lên.
   + Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại “TRUNG BÌNH” và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh (năm em trúng tuyển vào UEH).

Em có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết của chương trình song ngành tại đây: https://hotro.ueh.edu.vn/bai-viet/chuong-trinh-dao-tao-thu-2-26

Em cần trao đổi thêm thông tin về đăng ký học chương trình thứ 2, em có thể liên hệ:
Thầy Lê Tuấn Hà: Điện thoại (028) 3823 0082 - số nội bộ 163, Email: halt@ueh.edu.vn
hoặc đến trực tiếp Phòng Đào tạo (A0.13 - A0.14), bàn số 14 trong giờ làm việc 

Câu hỏi 17: Khi nào được đăng ký học cải thiện/học lại vậy ạ? 

Chào em, hằng năm Phòng Đào tạo sẽ có thông báo đăng ký học phần vào học kỳ giữa dành cho sinh viên có nhu cầu học lại hoặc học cải thiện. Thông tin chi tiết, em có thể theo dõi trên Website: daotao.ueh.edu.vn hoặc liên hệ chuyên viên Phòng Đào tạo theo các hình thức sau.
- Đại học chính quy: cô Cao Thị Xuân Tâm - Email: xuantam86@ueh.edu.vn - Điện thoại: 028.38.230 082 - ext. 134
- Chương trình Chất lượng cao ĐHCQ: thầy Phạm Trung Tấn - Email: tan@ueh.edu.vn - Điện thoại: 028.38.230 082 - ext. 131
- Phụ trách mở các lớp học phần các Khóa, hệ ĐHCQ: cô Cao Thị Xuân Tâm - Email: xuantam86@ueh.edu.vn - Điện thoại: 028.38.230 082 - ext. 134
- Phòng Đào tạo: 59C Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM - Ðiện thoại: 028.38.230 082 - Email: qldt_ctsv@ueh.edu.vn
Em nhớ liên hệ Thầy/Cô trong giờ hành chính em nhé.

Câu hỏi 18: Điểm rèn luyện thấp có ảnh hưởng đến GPA không ạ? 

Chào em, điểm rèn luyện là điểm đạt được khi đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của sinh viên trên năm mặt đánh giá, theo thang điểm 100.
Vì vậy điểm rèn luyện không ảnh hưởng đến điểm kết quả học tập nhé.
Thông tin chi tiết: https://dsa.ueh.edu.vn/quy-dinh-quy-trinh/quy-dinh/

Câu hỏi 19: Cho em hỏi đăng ký KTX của trường ở đâu vậy ạ?

Chào em, em có thể đọc kỹ hướng dẫn tại website: https://ktx.ueh.edu.vn/huong-dan-dang-ky-noi-tru/ 
Em có thể liên hệ Ban quản lý Ký túc xá UEH theo các phương thức liên hệ sau, thời gian làm việc từ 07g30 - 20g00 từ thứ 2 đến thứ 6 em nhé. 
- Tel: 0775503271
- Email: ktx@ueh.edu.vn 
- Fanpage: https://www.facebook.com/BQLKTX.UEH 

Câu hỏi 20: Để đóng học phí mình làm như thế nào ạ? 

Chào em, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh hiện có 4 hình thức thanh toán học phí như sau: 
1.Cổng thanh toán trực tuyến:
- https://payment.ueh.edu.vn , Cổng 1 – chọn đợt thu phù hợp với hệ đào tạo
2.Chuyển khoản theo thông tin như sau:
- Đối với thí sinh học tại cơ sở TP. Hồ Chí Minh:
Tên tài khoản:    Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Số tài khoản:      0036100000119009
Tên ngân hàng:  Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Gia Định
Nội dung: , ,
- Đối với thí sinh học tại Phân hiệu Vĩnh Long:
Tên tài khoản: Phân hiệu trường Đại học Kinh tế Tp.HCM tại tỉnh Vĩnh Long
Số tài khoản: 0035100010625006.
Tên ngân hàng: Ngân hàng thương mại Cổ phần Phương Đông Chi nhánh Vĩnh Long
Nội dung: , ,
3.Nộp học phí bằng các loại thẻ ngân hàng (ATM, Visa, Master,…) tại ngân hàng TMCP Phương Đông – Phòng giao dịch Phạm Ngọc Thạch (17 Phạm Ngọc Thạch, P. 6, Q.3)
4.Nộp tiền mặt trực tiếp tại tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng TMCP Phương Đông trên toàn quốc

Câu hỏi 21: Nếu tài chính em chưa đủ, em có thể gia hạn lại thời gian đóng học phí được không ạ?

Chào em, hiện tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) có các chương trình hỗ trợ tài chính cho các bạn sinh viên gặp khó khăn về tài chính như sau:
1. Chính sách miễn, giảm học phí.
Đối tượng miễn giảm: Sinh viên là con của người có công với cách mạng; bị tàn tật, khuyến tật thuộc diện hộ cận nghèo; Sinh viên thuộc diện mồ côi; Sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; Sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.
Cách thức: 
- Theo dõi thông báo nộp Giấy đề nghị miễn, giảm học phí của Phòng Đào tạo (http://daotao.ueh.edu.vn/) vào khoảng tháng 01 và tháng 08 hàng năm hoặc linh động.
- Chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn với từng đối tượng được miễn 100% hoặc giảm 70%/50% học phí.
- Nộp hồ sơ theo thời gian quy định trong thông báo và theo dõi kết quả.
Tham khảo văn bản:
- Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ
- Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
2. Vay vốn ngân hàng chính sách xã hội.
3. Tín dụng học tập tại UEH.
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) kết nối với ngân hàng TMCP Phương Đông mang đến cho sinh viên sản phẩm tín dụng học tập trong thời gian ngắn để giúp sinh viên trang trải chi phí và không bị gián đoạn việc học tập.
Mức vay: số tiền đóng học phí trong học kỳ với lãi suất: 9,5%/năm trong vòng tối đa 3 tháng (kể từ ngày được giải ngân)
Chi tiết em có thể xem tại: https://dsa.ueh.edu.vn/tin-dung-hoc-tap/
Câu hỏi 22: Học lại cũng là học cải thiện phải không ạ?

Chào em, học lại và học cải thiện là 2 khái niệm khác nhau nhé.
1. Học lại
a) Đối với học phần bắt buộc có điểm học phần không đạt, sinh viên bắt buộc phải đăng ký học lại khi học phần đó được tổ chức giảng dạy.
b) Đối với học phần tự chọn có điểm học phần không đạt, sinh viên có quyền chọn đăng ký học lại chính học phần đó hoặc lựa chọn học các học phần tự chọn khác cùng nhóm để đảm bảo tích lũy đủ số tín chỉ.
c) Trường hợp sinh viên đăng ký học lại, điểm lần học cuối là điểm chính thức của học phần.
2. Cải thiện điểm
a) Đối với học phần bất kỳ đã có kết quả đạt, sinh viên được phép đăng ký học để cải thiện điểm.
b) Trường hợp sinh viên đăng ký học lại để cải thiện điểm, kết quả cao nhất trong các lần học được chọn để tính vào điểm trung bình tích lũy.

Câu hỏi 23: Sinh viên chuyển trường?

Chào em, sinh viên được chuyển trường nếu có các điều kiện sau:
- Trong thời gian học tập, nếu gia đình chuyển nơi cư trú hoặc sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần thiết phải chuyển trường gần nơi cư trú của gia đình để thuận lợi trong học tập.
- Xin chuyển đến trường có cùng ngành hoặc thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo mà sinh viên đang học.
- Được sự đồng ý của Hiệu trưởng trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.
Sinh viên không được phép chuyển trường trong các trường hợp sau:
- Sinh viên đã tham dự kỳ thi tuyển sinh theo đề thi chung, nhưng không trúng tuyển vào trường hoặc có kết quả thi thấp hơn điểm trúng tuyển của trường xin chuyển đến;
- Sinh viên thuộc diện nằm ngoài vùng tuyển quy định của trường xin chuyển đến;
- Sinh viên năm thứ nhất và năm cuối khoá;
- Sinh viên đang trong thời gian bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
Câu hỏi 24: Sinh viên chuyển nơi học?

Chào em, sinh viên được xem xét chuyển sang học 1 chương trình, 1 ngành đào tạo khác hoặc một phân hiệu khác của cơ sở đào tạo, hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính khi có đủ các điều kiện sau:
1. Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo Quy định này;
2. Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo, của trụ sở chính (hoặc phân hiệu trong cùng khóa tuyển sinh;
3. Cơ sở đào tạo, trụ sở chính (hoặc phân hiệu) có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
4. Được sự đồng ý của thủ trưởng các đơn vị chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo (Lãnh đạo các Khoa/Viện đào tạo), người phụ trách phân hiệu (nơi chuyển đi và chuyển đến) và của Hiệu trưởng.

Câu hỏi 25: Sau bao lâu kể từ khi tốt nghiệp thì trường mình sẽ thu hồi lại email UEH vậy?

Chào em, đối với người học tại UEH, tài khoản email UEH sẽ được thu hồi khi người học không còn tham gia học tập, nghiên cứu tại UEH. Đối với người học đã tốt nghiệp, thời gian thu hồi là 1 năm kể từ ngày quyết định tốt nghiệp; đối với các đối tượng khác sẽ được xử lý tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Câu hỏi 26: Khóa học là gì?

Chào em, khóa học là thời gian để sinh viên hoàn thành một Chương trình đào tạo cụ thể. Thời gian khóa học của từng Chương trình đào tạo có thể được thiết kế khác nhau.

Câu hỏi 27: Năm học là gì?

Chào em, năm học ở Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) gồm 02 học kỳ chính (học kỳ đầu và học kỳ cuối) và 01 học kỳ phụ (học kỳ hè).

Câu hỏi 28: Học kỳ là gì?

Chào em, học kỳ là khoảng thời gian nhất định gồm một số tuần dành cho hoạt động giảng dạy, học tập và đánh giá kiến thức (kiểm tra, thi kết thúc học phần, ...).
- Học kỳ chính gồm 15-17 tuần dành cho các hoạt động giảng dạy, học tập và 2-4 tuần dành cho việc đánh giá tập trung.
- Học kỳ phụ gồm 5-6 tuần dành cho các hoạt động giảng dạy, học tập và 1-2 tuần dành cho việc đánh giá tập trung.

Câu hỏi 29: Khung thời gian đào tạo gồm những gì?

Chào em, hằng năm Hiệu trưởng ban hành Khung thời gian đào tạo bao gồm thời gian tiến hành các hoạt động học tập giảng dạy, lịch tổ chức đánh giá trong mỗi học kỳ, thời gian nghỉ lễ, Tết ...

Câu hỏi 30: Tín chỉ là gì?

Chào em, Tín chỉ (TC) là đơn vị dùng để đo lường khối lượng kiến thức, kỹ năng và kết quả học tập đã tích lũy được trong một khoảng thời gian nhất định.
Tín chỉ được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết: 30 - 45 tiết thực hành hoặc thảo luận; 45-90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn, khoá luận tốt nghiệp.
Một tiết học được tính bằng 50 phút.

Câu hỏi 31: Học phần là gì?

Chào em, học phần tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH):
1. Học phần là đơn vị cấu thành Chương trình Đào tạo (CTĐT), tập hợp những tri thức về một lĩnh vực chuyên môn và được tổ chức giảng dạy trọn vẹn trong một học kỳ. Hoạt động học tập giảng dạy mỗi học phần bao gồm một hay kết hợp một trong các hình thức sau:
- Giảng dạy lý thuyết - tổ chức thành các lớp học phần;
- Giảng dạy, hướng dẫn thực hành, bài tập - tổ chức theo lớp hay theo từng nhóm;
- Hướng dẫn thực tập, thực tập tốt nghiệp tại các cơ sở bên ngoài;
- Hướng dẫn tiểu luận và khóa luận tốt nghiệp.
2. Học phần có mã số riêng và số tín chỉ xác định. Mỗi học phần đều có đề cương chi tiết thể hiện các nội dung: giới thiệu tóm tắt học phần; các học phần tiên quyết, học phần trước; cách đánh giá học phần; nội dung chính các chương mục; các giáo trình, tài liệu tham khảo;... Đề cương chi tiết được Khoa/Viện đào tạo phê duyệt và công bố cùng với CTĐT. Nội dung đề cương chi tiết được giảng viên thông báo tới người học trong buổi học đầu tiên của học phần.

Câu hỏi 32: Học phần bắt buộc là gì?

Chào em, học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc sinh viên phải tích lũy.

Câu hỏi 33: Học phần tự chọn là gì?

Chào em, học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của Trường nhằm đa dạng hoá hướng chuyên môn hoặc theo nhu cầu cá nhân để tích lũy đủ số học phần quy định cho mỗi chương trình.

Câu hỏi 34: Học phần tương đương và học phần thay thế có giống nhau không?

Chào em, học phần tương đương và học phần thay thế là 2 khái niệm khác nhau nhé:
1. Học phần tương đương là học phần thuộc chương trình đào tạo (CTĐT) của một khóa khác hay ngành khác đang tổ chức đào tạo tại trường được phép tích lũy để thay cho học phần trong CTĐT của ngành đào tạo.
2. Học phần thay thế được sử dụng khi học phần có trong CTĐT không còn tổ chức giảng dạy và được thay thế bằng một học phần khác đang còn tổ chức giảng dạy. Học phần thay thế có thể được áp dụng trong trường hợp thay thế cho học phần Thực tập và tốt nghiệp.
3. Các học phần tương đương hoặc học phần thay thế do Khoa/Viện quản lý CTĐT đề xuất, được áp dụng cho tất cả các khóa, các ngành hoặc chỉ được áp dụng hạn chế cho một số khóa-ngành.

Câu hỏi 35: Học phần tiên quyết là gì?

Chào em, học phần A là học phần tiên quyết của học phần B, khi điều kiện bắt buộc để đăng ký học phần B là sinh viên đã tích lũy học phần A.

Câu hỏi 36: Học phần trước là gì?

Chào em, học phần A là học phần trước của học phần B, khi điều kiện bắt buộc để đăng ký học học phần B là sinh viên đã đăng ký học học phần A. Sinh viên được phép học học
phần B sau khi đã học xong học phần A.

Câu hỏi 37: Lớp học phần là gì?

Chào em, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh quy định:
1. Lớp học phần được gắn mã số riêng, tập hợp các sinh viên cùng đăng ký một học phần, có cùng thời khoá biểu trong cùng một học kỳ. Số lượng sinh viên của lớp học phần được giới hạn bởi sức chứa của phòng học/phòng thực hành hoặc được sắp xếp theo các yêu cầu riêng đặc thù của học phần.
2. Đối với học phần lý thuyết, số lượng tối thiểu để xem xét mở lớp là 30 sinh viên.
3. Đối với lớp học phần không đủ số lượng sinh viên tối thiểu theo quy định, Trường xem xét, quyết định tổ chức hình thức dạy và học phù hợp.

Câu hỏi 38: Lớp sinh viên là gì?

Chào em, lớp sinh viên được gắn mã lớp riêng, là lớp học cố định được tổ chức cho những sinh viên có cùng khóa học, ngành/chuyên ngành đào tạo.

Câu hỏi 39: Chuẩn đầu ra là gì?

Chào em, chuẩn đầu ra là yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học sau khi hoàn thành một chương trình giáo dục.

Câu hỏi 40: Số tín chỉ tích lũy là gì?

Chào em, số tín chỉ tích lũy là tổng số tín chỉ của các học phần sinh viên đã đăng ký, đã học và có điểm học phần đạt yêu cầu (kể cả các học phần được bảo lưu, miễn học, miễn thi).

Câu hỏi 41: Các thành phần điểm của 1 học phần bao gồm những gì?

Chào em, đối với mỗi học phần, sinh viên được đánh giá qua tối thiểu hai điểm thành phần, đối với các học phần có khối lượng nhỏ hơn 02 tín chỉ có thể chỉ có một điểm đánh giá.
Các điểm thành phần được đánh giá theo thang điểm 10. Số lượng các cột điểm thành
phần, phương thức đánh giá cho từng điểm thành phần được quy định trong đề cương chi tiết của học phần. Điểm thành phần của một học phần gồm có hai bộ phận sau:
- Điểm quá trình (có thể bao gồm các điểm như: điểm kiểm tra giữa kỳ; điểm đánh giá quá trình, mức độ tích cực tham gia hoạt động học tập; điểm bài tập lớn, tiểu luận...) chiếm tỷ trọng không quá 70% điểm học phần.
- Điểm kết thúc học phần (điểm thi cuối kỳ...) chiếm tỷ trọng còn lại và không quá 50% nếu theo hình thức đánh giá trực tuyến.
Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, việc xây dựng các hình thức đánh giá học phần phải có sự linh hoạt giữa các hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Câu hỏi 42: Các loại điểm đặc biệt bao gồm?

Chào em, một số trường hợp đặc biệt sử dụng các điểm chữ xếp loại, không được tính vào điểm trung bình học tập:
- I: Điểm chưa hoàn thiện do được phép hoãn thi, kiểm tra (vắng thi có phép);
- X: Điểm chưa hoàn thiện do chưa đủ dữ liệu;
- M: Điểm học phần được miễn học và công nhận tín chỉ.
- P: Loại đạt không phân mức, áp dụng cho các học phần chỉ yêu cầu đạt, không tính vào điểm trung bình học tập. Điểm P đạt từ 5,0 trở lên theo thang điểm 10.

Câu hỏi 43: Trường hợp sinh viên có điểm quá trình hoặc điểm kết thúc học phần là vắng hoặc điểm 0?

Chào em, trường hợp sinh viên có điểm quá trình hoặc điểm kết thúc học phần là vắng
(không có điểm) hoặc điểm 0 (điểm không) thì điểm học phần chỉ được tính tối đa là 4,9
theo thang điểm 10 (điểm không đạt).

Câu hỏi 44: Khối lượng học phần trong một kỳ chính có giới hạn không ạ?

Chào em, khối lượng học tập của sinh viên trong mỗi học kỳ chính được quy định như sau:
1. Khối lượng tối thiểu không ít hơn 2/3 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn
2. Khối lượng tối đa không quá 3/2 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn
3. Đối với sinh viên học cùng lúc 02 chương trình đào tạo, không áp dụng khối lượng học tập tối đa trong một học kỳ.

Câu hỏi 45: Trường xét chuyển điểm và miễn học phần như thế nào?

Chào em, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) xét chuyển điểm và miễn học phần như sau:
1. Kết quả học tập của người học đã tích lũy từ một trình độ đào tạo khác, một ngành đào tạo hoặc một chương trình đào tạo (CTĐT) khác, một khóa học khác hoặc từ một cơ sở đào tạo khác được UEH xem xét công nhận, chuyển đổi sang tín chỉ của những học phần trong CTĐT theo học.
2. Hội đồng Khoa học của UEH và của Khoa/Viện đào tạo xem xét công nhận, chuyển đổi tín chỉ trên cơ sở đối sách chuẩn đầu ra, nội dung và khối lượng học tập, cách thức đánh giá học phần và các điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình theo các cấp độ:
a, Công nhận, chuyển đổi theo từng học phần;
b, Công nhận, chuyển đổi theo từng nhóm học phần;
c, Công nhận, chuyển đổi theo cả CTĐT.
3. Việc xét chuyển điểm, công nhận kết quả học tập, chuyển đổi tín chỉ và miễn học phần thực hiện theo Quy định hiện hành của UEH.
4. Khối lượng tối đa được công nhận, chuyển đổi không vượt quá 50% khối lượng học tập tối thiểu của CTĐT.

Câu hỏi 46: Em muốn thực hiện bảo lưu kết quả học tập được không?

Chào em, để nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả học tập, em phải thỏa mãn các điều kiện sau:
1. Sinh viên còn trong thời gian đào tạo kế hoạch của khóa học có nhu cầu nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả học tập trong các trường hợp sau:
a, Được điều động vào lực lượng vũ trang;
b, Được cơ quan có thẩm quyền điều động, đại diện quốc gia tham dự các kỳ thi, giải đấu quốc tế;
c, Bị ốm, thai sản hoặc tai nạn phải điều trị thời gian dài có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ y tế;
d, Vì lý do cá nhân khác nhưng đã phải học tối thiểu 01 học kỳ ở cơ sở đào tạo và không thuộc các trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật.
2. Sinh viên được giải quyết nghỉ tối đa không quá 02 học kỳ chính cho một lần nộp hồ sơ nghỉ học tạm thời. Thời gian nghỉ học tạm thời được tính vào tổng thời gian học được phép kéo dài tối đa của sinh viên, trừ trường hợp được điều động vào lực lượng vũ trang.

Câu hỏi 47: Xin giấy thực tập?

Chào em, liên quan đến cấp giấy giới thiệu thực tập cho sinh viên, quy trình áp dụng hiện tại là sinh viên sẽ tự xuất file giấy giới thiệu thực tập điện tử E-confirm (tự nhập tên đơn vị thực tập, thời gian thực tập) trên Portal sinh viên student.ueh.edu.vn. UEH không còn cấp giấy giới thiệu thực tập có đóng dấu nữa. Đối với các trường hợp đơn vị thực tập yêu cầu có dấu của trường, sinh viên đăng ký thêm giấy xác nhận sinh viên có đóng dấu tròn trên cổng Giao dịch điện tử UEH: es.ueh.edu.vn để nộp kèm chung với giấy giới thiệu thực tập điện tử E-confirm.

Câu hỏi 48: Sinh viên nước ngoài tham quan trường?

Chào em, em liên hệ trường để được hỗ trợ tham quan em nhé.
Admin gửi em thông tin liên hệ Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh:
59C Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 84.28.38295299 - Fax: 84.28.38250359
Email: info@ueh.edu.vn

Câu hỏi 49: Phúc khảo điểm?

- Cấp 1: "Chào em, em đang có nhu cầu được giải quyết thắc mắc về điểm quá trình hay điểm thi kết thúc học phần của kết quả học tập em nhỉ?"
- Cấp 2:
+ Điểm quá trình: "Chào em, em vui lòng liên hệ giảng viên phụ trách môn học của mình để được hỗ trợ giải đáp em nhé."
+ Điểm thi kết thúc học phần: "Chào em, nếu em có thắc mắc về điểm thi kết thúc học phần, em vui lòng liên hệ Bộ phận Khảo thí thuộc Phòng Kế hoạch đào tạo - Khảo thí để được hỗ trợ em nhé.
Amin gửi em thông tin liên hệ Bộ phận Khảo thí UEH:
- Email: ktkd@ueh.edu.vn
- Điện thoại: (028) 3853 2247 - Ext: 171

Câu hỏi 50: Em thắc mắc khi đăng ký chuyển điểm học phần tiếng Anh thì em có được miễn ngoại ngữ đầu ra không? Hoặc chứng chỉ hết hạn thì xử lý như thế nào?

Chào em, căn cứ theo quy định: http://daotao.ueh.edu.vn/qui-che/1/2021-7-16-quy-dinh-hoc-tieng-anh-va-chuan-trinh-do-tieng-anh-doi-voi-sinh-vien-dai-hoc-chinh-quy-tai-truong-dai-hoc-kinh-te-tp-ho-chi-minh và được áp dụng từ khóa 47 ĐHCQ, khi sinh viên nộp chứng chỉ ngoại ngữ để xét chuyển điểm và được công nhận đạt chuẩn đầu ra. Khi đó: Kết quả xét chuyển điểm học phần tiếng Anh và chuẩn đầu ra tiếng Anh có giá trị suốt khóa học, không tính theo thời hạn của chứng chỉ.
Thời gian xét chuyển điểm học phần tiếng Anh được tổ chức vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm đến khi hết thời gian đào tạo chính khóa. Thông tin chi tiết sinh viên theo dõi tại website http://daotao.ueh.edu.vn/ vào thời gian trên.

Câu hỏi 51: Khi nào được đăng ký học cải thiện/học lại vậy ạ?

Mỗi giữa học kỳ, Phòng Đào tạo sẽ thông báo trên website: daotao.ueh.edu.vn kế hoạch mở hệ thống Portal sinh viên cho sinh viên đăng ký học phần cho học kỳ tiếp theo. Sinh viên có thể đăng ký học lại, học cải thiện điểm, học vượt sẽ đăng ký trong thời gian Phòng Đào tạo mở tài khoản cho Khóa học của mình đăng ký. Link tham khảo: https://hotro.ueh.edu.vn/bai-viet/dang-ky-hoc-phan-30.

Câu hỏi 52: Sinh viên chuyển trường?

Sinh viên được xem xét chuyển trường khi có đủ các điều kiện sau:

- Sinh viên còn đủ thời gian học tập theo quy định hiện hành;

- Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại nơi chuyển đến;

- Nơi chuyển đến có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Được sự đồng ý của hiệu trưởng cơ sở đào tạo xin chuyển đi và cơ sở đào tạo xin chuyển đến;

- Sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần thiết phải chuyển trường gần nơi cư trú của gia đình để thuận lợi trong học tập. Sinh viên không được chuyển trường trong các trường hợp sau:

- Đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa;

- Thuộc diện bị xem xét buộc thôi học;

- Đang trong thời gian bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.

Quy trình đề nghị chuyển trường:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ Sinh viên tải mẫu “Giấy đề nghị chuyển trường” trên website Phòng Đào tạo, điền đầy đủ thông tin, ký tên xác nhận và chuẩn bị các hồ sơ liên quan.

Bước 2: Liên hệ trường muốn chuyển đến Sinh viên xin ý kiến xác nhận của trường muốn chuyển đến trên Giấy đề nghị chuyển trường (Phần Ý kiến của Hiệu trưởng trường tiếp nhận).

Bước 3: Nộp hồ sơ Sinh viên nộp Giấy đề nghị chuyển trường kèm theo Giấy đề nghị thôi học tại Phòng Đào tạo UEH trong giờ làm việc.

Bước 4: Nhận kết quả Sinh viên nhận bản scan màu Quyết định về việc đồng ý cho sinh viên được chuyển trường qua email cá nhân trong vòng 5 - 10 ngày làm việc (không bao gồm Thứ Bảy, Chủ nhật), kể từ ngày nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Sinh viên hoàn tất các thủ tục thôi học tại Trường theo quy định.

Câu hỏi 53: Em muốn thực hiện bảo lưu kết quả học tập được không?

Đối tượng áp dụng: Sinh viên còn trong thời gian đào tạo kế hoạch của khóa học có nhu cầu nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả học tập.

Các trường hợp được nghỉ học tạm thời:

a) Được điều động vào lực lượng vũ trang;

b) Được cơ quan có thẩm quyền điều động, đại diện quốc gia tham dự các kỳ thi, giải đấu quốc tế;

c) Bị ốm, thai sản hoặc tai nạn phải điều trị thời gian dài có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế;

d) Vì lý do cá nhân khác nhưng đã phải học tối thiểu 01 học kỳ tại Trường và không thuộc các trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật.

Thời gian nghỉ học: Sinh viên được giải quyết nghỉ tối đa không quá 02 học kỳ chính cho một lần nộp hồ sơ nghỉ học tạm thời. Thời gian nghỉ học tạm thời được tính vào tổng thời gian học được phép kéo dài tối đa của sinh viên, trừ trường hợp được điều động vào lực lượng vũ trang.

Quy trình đề nghị nghỉ học tạm thời:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ Sinh viên tải mẫu “Giấy đề nghị nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả học tập” trên website Phòng Đào tạo, điền đầy đủ thông tin, ký tên xác nhận và chuẩn bị các hồ sơ minh chứng liên quan đến lý do nghỉ học tạm thời.

Hồ sơ minh chứng:

- Lý do tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc thanh niên xung phong tập trung: Bản photo Quyết định hoặc Lệnh gọi công dân nhập ngũ.

- Lý do sức khỏe: Bản photo Giấy xác nhận nằm viện/Giấy vào viện/Giấy ra viện/Giấy xác nhận khám chữa bệnh do cơ quan khám chữa bệnh/bệnh viện cấp.

- Lý do du học: Bản photo Visa hoặc Thư mời nhập học của trường nước ngoài.

- Lý do gia đình: Thư xác nhận do ba/mẹ/người nuôi dưỡng viết.

Bước 2: Nộp hồ sơ Sinh viên nộp hồ sơ theo một trong hai cách:

- Nộp trực tiếp tại Phòng Đào tạo trong giờ làm việc;

- Gửi bản scan màu (ảnh chụp) hồ sơ qua email của Phòng Đào tạo (địa chỉ email qldt_ctsv@ueh.edu.vn)

Bước 3: Nhận kết quả Sinh viên nhận bản scan màu Quyết định về việc đồng ý cho sinh viên nghỉ học tạm thời qua email cá nhân trong vòng 5 - 10 ngày làm việc (không bao gồm Thứ Bảy, Chủ nhật), kể từ ngày nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Bước 4: Thực hiện thủ tục Hủy học phần Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận bản scan màu Quyết định về việc đồng ý cho sinh viên nghỉ học tạm thời, sinh viên cần thực hiện thủ tục hủy học phần đối với các học phần không tham gia học và chưa đến lịch thi cuối kỳ (nếu có đăng ký học phần).

 

 

Bạn còn thắc mắc cần hỗ trợ, để UEH trả lời cho bạn nhé!