Quy định về kiểm soát và xử lý đạo văn các sản phẩm học thuật

Điều 1. Mục đích, phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Nhằm nâng cao chất lượng, tính trung thực và giá trị của các khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, bài báo khoa học, báo cáo nghiên cứu khoa học, bài tham luận tại hội thảo, bài tập, tiểu luận, chuyên đề (sau đây gọi chung là sản phẩm học thuật) tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH).

2. Văn bản này quy định cách thức quản lý, kiểm soát và xử lý vấn đề đạo văn trong tất cả các sản phẩm học thuật trong quá trình học tập, đào tạo, nghiên cứu khoa học được thực hiện tại UEH.

3. Đối tượng áp dụng: quy định bản này áp dụng cho 3 đối tượng (được gọi chung là tác giả) sau đây:

a) Tất cả sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh (gọi chung là người học);

b) Toàn thể công chức, viên chức đang công tác tại UEH;

c) Tất cả các đối tượng khác có các sản phẩm học thuật được báo cáo, in ấn, giảng dạy, trao đổi trong các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học tại các đơn vị thuộc UEH.

Điều 2. Hành vi đạo văn

1. Đạo văn là việc sử dụng có hoặc không có chủ ý của tác giả các sản phẩm học thuật về các câu văn, đoạn văn, bài viết, số liệu, hình ảnh, thông tin và ý tưởng của người khác vào các sản phẩm của mình mà không có những chỉ dẫn/thừa nhận tác giả của những nội dung đã sử dụng.

2. Khi không thông tin cho người đọc biết tác giả của những điều đã được định nghĩa tại Khoản 1, Điều 3 thì tác giả của sản phẩm học thuật được xác định là phạm lỗi đạo văn. Đạo văn là một lỗi nghiêm trọng về tiêu chuẩn đạo đức khoa học, mà luật pháp (sở hữu trí tuệ) và các cơ sở đào tạo không thể bỏ qua.

3. Trong các sản phẩm học thuật nếu có các hình thức sau đây được xác định là phạm lỗi đạo văn:

a) Sử dụng sản phẩm học thuật của người khác mà cam đoan rằng đó là của mình (được người viết thay tên);

b) Sao chép (copy) quá nhiều từ một công trình (mặc dù có chỉ ra nguồn trích) để hình thành một phần lớn công trình của mình;

c) Không dẫn nguồn đã trích khi thay đổi từ ngữ, di chuyển từ hoặc cụm từ, ý tưởng của tác giả khác; gắn các cụm từ của các nguồn khác nhau và chỉnh sửa lại trong bài viết; thay đổi từ ngữ, cụm từ nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc của đoạn văn hoặc bài viết

d) Sử dụng bất kỳ sản phẩm học thuật hoặc số liệu sẵn có của các tác giả khác (bao gồm cá nhân, nhóm người, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức khác), không phải của mình mà không nêu rõ nguồn và tác giả;

e) Cung cấp không chính xác về tác giả, nguồn của thông tin được trích dẫn (ví dụ: thông tin của tác giả A nhưng người viết ghi nguồn trích là tác giả B; nguồn thông tin là từ bài viết chưa được xuất bản nhưng lại được ghi dưới dạng bài báo, sách đã xuất bản);

f) Sử dụng hơn 30% những sản phẩm học thuật của mình đã công bố vào những sản phẩm học thuật mới do mình là tác giả hoặc đồng tác giả mà không ghi rõ nguồn, gọi là tự đạo văn.

Điều 3. Các yêu cầu cơ bản để tránh lỗi đạo văn

1. Sản phẩm học thuật là bài viết trình bày những luận điểm, phân tích, tổng hợp, kết quả nghiên cứu của người viết. Khi trích dẫn thông tin của các tác giả khác để lý giải, so sánh, minh họa, đối chiếu những gì liên quan đến nghiên cứu trong đề tài của mình, thì phải ghi rõ nguồn thông tin và tác giả đã được trích dẫn. 

2. Để tránh vi phạm lỗi đạo văn, khi viết người học có thể thực hiện theo những hướng dẫn cơ bản sau đây:

a) Thực hiện theo hướng dẫn cách trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo của UEH đã ban hành. Tài liệu hướng dẫn được Viện Đào tạo Sau đại học bổ sung cập nhật hàng năm, đăng tải lên website, in ấn và phát hành sử dụng trong UEH kể từ năm 2012;

b) Phải ghi rõ nguồn trích ngay trong bài văn hoặc ghi chú cuối trang (footnote) khi sử dụng từ ngữ, ý tưởng đã được phát hành trên bất kỳ phương tiện thông tin nào: tạp chí, sách, báo, chương trình máy tính, trang web, thời sự trên tivi, quảng cáo, v.v.; khi sử dụng câu từ, hoặc đoạn văn là nguyên văn của người khác và khi sử dụng công thức, số liệu, hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ, ý kiến hoặc bất kỳ sản phẩm nghe nhìn nào;

c) Khi cần trích dẫn nguyên văn thì chắc chắn thông tin đó phải được đặt trong dấu ngoặc kép và ghi nguồn trích. Việc trích này chỉ nên được thực hiện khi câu văn, đoạn văn được trích khó có thể diễn đạt lại bằng ngôn ngữ riêng của mình;

d) Các trường hợp khác, chỉ lấy ý chính, nội dung chính, ý tưởng chính của người khác để viết lại, diễn đạt theo ngôn từ riêng của mình nhưng vẫn giữ nguyên ý nghĩa câu văn, đoạn văn, nguồn thông tin của tác giả được trích, và ghi rõ nguồn trích;

e) Tự viết các ý tưởng khoa học bằng văn phong riêng của chính mình, khôngsử dụng công cụ sao chép và dán trong bài viết.

3. Những điểm sau đây không nhất thiết phải ghi nguồn trích dẫn

a) Bản thân người học viết về kinh nghiệm cuộc sống, những quan sát, suy nghĩ, tư tưởng, kết luận về một chủ đề của chính mình;

b) Khi thảo luận, phân tích, trình bày kết quả từ phỏng vấn, khảo sát, thí nghiệm của người học;

c) Khi sử dụng các sản phẩm của chính người học có được từ các phương tiện nghe nhìn;

d) Khi điều gì đó thuộc về kiến thức phổ thông như: văn hóa dân gian, tập tục, truyền thống, huyền thoại, những dấu mốc lịch sử, những kiến thức phổ quát, những sự việc cơ bản hầu hết mọi người biết.

Điều 4. Phát hiện và xử lý lỗi đạo văn

1. Để kiểm tra và phát hiện lỗi đạo văn, UEH chính thức áp dụng phần mềm kiểm tra đạo văn Turnitin trên phạm vi UEH cho tất cả các đối tượng nêu trong Khoản 3, Điều 1 từ ngày 02/01/2017.

2. Các sản phẩm học thuật được xem là phạm lỗi đạo văn nếu vi phạm các lỗi được quy định tại Điều 2 hoặc theo kết quả kiểm tra của Turnitin, có ít nhất sao chép nguyên văn một đoạn văn có 100 từ trở lên; hoặc có từ 20% văn bản giống với các nguồn dữ liệu của các tác giả khác hoặc chỉ thay đổi tên đề tài, từ ngữ, số liệu nhưng giữ nguyên cấu trúc và nội dung tương tự các công trình khác.

3. Xử lý lỗi đạo văn đối với khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án, bài báo, bài giảng, đề cương học phần, để cương nghiên cứu, công trình khoa học

a) Khi bị phát hiện lần thứ nhất (trước khi bảo vệ, báo cáo, trình bày) tác giả phải viết lại, chỉnh sửa lại bài;

b) Sau khi đã kiểm tra và chỉnh sửa lần thứ nhất tác giả nộp sản phẩm lại nhưng vẫn còn có mức độ giống trên 20% và ít nhất đoạn văn từ 100 trở lên thì được coi là bị phát hiện lần thứ hai. Đơn vị quản lý trực tiếp tác giả, hoặc quản lý trực tiếp các công trình khoa học phải đình chỉ báo cáo, bảo vệ, nghiệm thu trong vòng một tháng để tiếp tục chỉnh lần thứ hai;

c) Trong tiến trình bảo vệ luận văn, luận án, báo cáo nghiệm thu, nếu thành viên hội đồng có phát hiện, thì chủ tịch hội đồng quyết định công trình khoa học, luận văn, luận án không đạt, phải chỉnh sửa và bảo vệ lại lần thứ hai;

d) Sau hai lần kiểm tra và chỉnh sửa, nếu nộp lại lần thứ ba vẫn có lỗi như nêu trong Khoản 2, Điều 4 thì đơn vị quản lý trực tiếp tác giả hoặc quản lý trực tiếp các công trình khoa học lập biên bản kết thúc, không công nhận các sản phẩm học thuật, không được bảo vệ, không được báo cáo, không đăng bài, chấm dứt hợp đồng, và các thủ tục khác liên quan;

e) Sau khi đã báo cáo, bảo vệ, nghiệm thu nếu có phát hiện khác của cá nhân, tổ chức nào của xã hội và có đơn thưa kiện, thì chính tác giả của sản phẩm chịu trách nhiệm trước pháp luật theo Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam và theo quy định về quyền sở hữu trí tuệ của UEH.

4. Xử lý lỗi đạo văn đối với các bài kiểm tra, bài tập, tiểu luận và các bài khác thuộc điểm học phần:

a) Phát hiện lần thứ nhất, khi nộp bài, báo cáo, trình bày: người học phải viết lại, chỉnh sửa lại bài;

b) Phát hiện lần thứ hai: sau khi đã kiểm tra và chỉnh sửa lần thứ nhất người học nộp lại bài nhưng vẫn còn có mức độ giống trên 20% và ít nhất đoạn văn từ 100 trở lên, giảng viên phụ trách học phần lập biên bản chuyển về khoa/phòng/ban/viện quản lý để trừ 30% điểm học phần. Tỷ lệ trừ điểm có thể do giảng viên/khoa/bộ môn thông báo cho người học ngay từ đầu.

5. Đối với sản phẩm học thuật của giảng viên, công chức, viên chức của UEH: khi nộp sản phẩm phải bảo đảm không vi phạm quy định tại Điều 2. Đơn vị trực tiếp quản lý sản phẩm học thuật chỉ kiểm tra một lần. Nếu còn phát hiện vi phạm lần thứ hai thì lập biên bản kết thúc, không công nhận các sản phẩm học thuật, không được bảo vệ, không được báo cáo, không đăng bài, chấm dứt hợp đồng, và các thủ tục khác liên quan.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của tác giả sản phẩm học thuật:

a) Tác giả của các sản phẩm học thuật tại UEH có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc những điều khoản nêu trong quy định này về tính trung thực trong khoa học và tuân thủ theo Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam;

b) Khuyến khích toàn thể người học, cán bộ viên chức UEH thông báo và cung cấp những bằng chứng về Phòng Thanh tra, hoặc đơn vị quản lý trực tiếp những trường hợp nghi ngờ có vi phạm lỗi đạo văn.

2. Trách nhiệm của giảng viên:

a) Hướng dẫn người học thực hiện quy định về trích dẫn trong các sản phẩm khoa học do Viện Đào tạo Sau đại học ban hành, và quy định này để nâng cao tính trung thực trong khoa học;

b) Sử dụng phần mềm Turnitin để kiểm soát các bài tập, bài làm về nhà, tiểu luận, v.v. của người học trong phạm vi học phần mình phụ trách và thực hiện các điều khoản trong quy định;

c) Sử dụng phần mềm Turnitin để kiểm tra bản thảo về nội dung của khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án trước khi giới thiệu đến các đơn vị quản lý;

d) Tự kiểm tra các sản phẩm học thuật của mình trước khi nộp cho đơn vị phụ trách, quản lý.

3. Trách nhiệm của khoa/viện/ban đào tạo:

a) Khoa đào tạo tiếp nhận và xử lý các vi phạm đạo văn trong phạm vi các học phần của giảng viên (kể cả giảng viên hợp tác) trực thuộc khoa/viện/ban;

b) Kiểm tra đạo văn bước 1 và có kết luận về lỗi đạo văn của các khóa luận tốt nghiệp, luận văn, chuyên đề tiến sĩ, luận án trước khi chuyển đến Viện Đào tạo Sau đại học.

4. Trách nhiệm của đơn vị quản lý đào tạo và quản lý khoa học

a) Phổ biến rộng rãi và hướng dẫn người học, cán bộ viên chức liên quan biết và thực hiện những điều khoản trong quy định;

b) Đơn vị quản lý đào tạo (các hệ đào tạo sau đại học, đại học chính quy, đại học vừa làm vừa học, các chương trình đào tạo quốc tế) kiểm soát ngẫu nhiên các sản phẩm học thuật của người học (khóa luận tốt nghiệp, luận văn, chuyên đề tiến sĩ, luận án) sau khi đã có kiểm tra của các cấp Khoa đào tạo; của công chức, viên chức liên quan (đề tài nghiên cứu) để theo dõi, xử lý trực tiếp các trường hợp đạo văn và báo cáo Ban Giám hiệu.

c) Viện Đào tạo Sau đại học chịu trách nhiệm sau cùng về chất lượng kiểm định nội dung của các đề tài, luận văn, luận án, bài báo, báo cáo, giáo trình, và các sản phẩm khác thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.

d) Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm sau cùng về chất lượng kiểm định nội dung của các đề tài, bài báo, báo cáo, giáo trình và các sản phẩm khác thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.

e) Tạp chí Phát triển kinh tế chịu trách nhiệm sau cùng về chất lượng kiểm định nội dung của các bài báo khoa học thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.

5. Trách nhiệm của Phòng Công nghệ thông tin

a) Quản lý hệ thống phần mềm Turnitin, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, ổn định.

b) Phối hợp với đơn vị liên quan để nhận tài liệu (luận văn, bài báo, v.v.) và tiến hành cập nhật vào hệ thống dữ liệu nội bộ của UEH trong hệ thống Turnitin.

c) Cung cấp tài khoản, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị liên quan, giảng viên, người học, công chức, viên chức thuộc UEH có nhu cầu, và quản lý các tài khoản truy cập.

d) Tổ chức huấn luyện kỹ thuật sử dụng phần mềm Turnitin rộng khắp cho các đơn vị, giảng viên, công chức, viên chức.

6. Trách nhiệm của Phòng Thanh tra

a) Kiểm tra định kỳ việc thực hiện kiểm soát đạo văn tại các Khoa/Viện/Ban đào tạo và Phòng QLKH-HTQT, Tạp chí PTKT.

b) Thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các khóa luận tốt nghiệp, luận văn, chuyên đề tiến sĩ, luận án, đề tài nghiên cứu đã nộp đến đơn vị quản lý đào tạo, quản lý khoa học và chuẩn bị bảo vệ hoặc báo cáo. 

c) Là đơn vị chính phối hợp với các đơn vị liên quan khi có những khiếu kiện về kết luận vi phạm lỗi đạo văn, những bằng chứng đạo văn do cá nhân, tổ chức khác cung cấp. Báo cáo trình hội đồng kỷ luật UEH xin ý kiến xử lý khi có những tố giác phát hiện sau khi đã nhận văn bằng hoặc đã nghiệm thu công trình.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Quy định này áp dụng trên phạm vi UEH, từ ngày 03 tháng 01 năm 2017 và thay thế cho những quy định trước đây .

2. Các Trưởng khoa đào tạo, Trưởng phòng/ban/viện/đơn vị liên quan phổ biến quy định này trên website của đơn vị và thông báo rộng rãi đến các giảng viên, công chức, viên chức liên quan, người học biết để thực hiện.

3. Trong quá trình thực hiện, Viện Đào tạo Sau đại học ghi nhận và tổng hợp những ý kiến bổ sung, cần chỉnh sửa để trình Ban Giám hiệu ra quyết định điều chỉnh, bổ sung vào quy định.

 

Bạn còn thắc mắc cần hỗ trợ, để UEH trả lời cho bạn nhé!