Nghỉ ốm

I. Giới thiệu:

1. VC, NLĐ được nghỉ và hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp bị ốm đau, tai nạn mà không phải là TNLĐ phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

2. Các trường hợp không được giải quyết chế độ ốm đau:

a) Bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục của Nhà nước ban hành;

b) VC, NLĐ nghỉ việc điều trị lần đầu do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp;

c) VC, NLĐ bị ốm đau, tai nạn mà không phải là TNLĐ trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm; nghỉ việc riêng; nghỉ việc tạm thời không hưởng lương; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định theo quy định của pháp luật.

II. Đối tượng áp dụng: VC, NLĐ ký hợp đồng trực tiếp với UEH và tham gia các loại hình bảo hiểm bắt buộc tại UEH.

III. Chế độ nghỉ ốm đau thuộc Danh mục cần chữa trị dài ngày:

1. Chế độ của Nhà nước:

Trường hợp nghỉ ốm đau thuộc Danh mục cần chữa trị dài ngày, VC/NLĐ hưởng bằng 75% mức đóng BHXH trong tháng liền kề trước khi nghỉ. Sau 180 ngày nhưng VC, NLĐ vẫn phải tiếp tục điều trị, tỷ lệ hưởng được tính theo thời gian đóng BHXH; cụ thể:

a) Tham gia BHXH từ đủ 30 năm trở lên: 65% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc;

b) Tham gia BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30: 55% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc;

c) Tham gia BHXH dưới 15 năm: 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm, mức hưởng một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

2. Chế độ thu nhập tăng thêm (TNTT) của UEH:

Trường hợp nghỉ ốm đau thuộc Danh mục cần chữa trị dài ngày hoặc do tai nạn mà không phải tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, VC/NLĐ được hưởng TNTT không quá 01 năm theo tỷ lệ như sau:

a) 75% TNTT của UEH trong 03 tháng đầu kế từ khi bắt đầu nghỉ;

b) 50% TNTT trong 03 tháng tiếp theo;

c) 25% cho 06 tháng còn lại.

Trường hợp VC/NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, VC/NLĐ có Đơn trình Công đoàn UEH xem xét và đề xuất phương án hỗ trợ.

IV.  Quy định, cơ sở thực hiện:

- Bộ Luật lao động 2019;

- Luật Bảo hiểm xã hội;

- Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày;

- Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 và Nghị định số 60/2020/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất;

- Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07 tháng 07 năm 2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015;

- Quy chế chi tiêu nội bộ của UEH.

V.  Quy trình/Hướng dẫn:

1. Hồ sơ nghỉ chế độ ốm đau thông thường gồm:

a) Đơn Đề nghị nghỉ ốm đau (https://hrm.ueh.edu.vn/cac-bieu-mau/)

b) Bản chính Giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú;

c) Bản chính Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (Mẫu C65-HD) do cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền cấp đối với trường hợp ngoại trú.

2. Trường hợp nghỉ ốm đau thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày:

a) Bản chính hoặc bản sao Giấy ra viện.

b) Nếu có thời gian không điều trị nội trú: Bản sao Phiếu hội chẩn hoặc Biên bản hội chẩn (có chứng thực) thể hiện thời gian nghỉ việc để điều trị.

3. Trường hợp VC, NLĐ khám, chữa bệnh ở nước ngoài, hồ sơ gồm:

a) Giấy khám, chữa bệnh do cơ sở y tế nước ngoài cấp (bản dịch tiếng Việt có công chứng);

b) Giấy xác nhận của một cơ sở y tế trong nước hoặc xác nhận của cơ sở y tế tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương về tình trạng bệnh tật và hướng điều trị đối với trường hợp ra nước ngoài khám, chữa bệnh.

4. Quy trình:

  • Bước 1: VC/NLĐ làm đơn đề nghị nghỉ có ý kiến chấp thuận của Lãnh đạo đơn vị và ý kiến của Ban Giám hiệu các trường thành viên[1].
  • Bước 2: VC/NLĐ gửi trực tiếp đơn kèm các chứng từ liên quan (bản chính hoặc sao y) về Phòng Quản trị nguồn nhân lực hoặc gửi gián tiếp thông qua Phòng Tổng hợp thuộc các trường thành viên.
  • Bước 3: Phòng Quản trị nguồn nhân lực tổng hợp, trình Ban Giám hiệu UEH phê duyệt.
  • Bước 4: Phòng Quản trị nguồn nhân lực phối hợp Phòng Tài chính - Kế toán thực hiện chế độ đối với VC/NLĐ.\

VI. Thực hiện: Vui lòng thực hiện tại đây


[1]. Trường hợp là đơn vị thuộc các trường thành viên: Kinh doanh UEH; Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; Công nghệ và Thiết kế UEH.

 

Bạn còn thắc mắc cần hỗ trợ, để UEH trả lời cho bạn nhé!