Nghỉ thai sản

I. Giới thiệu

1. VC, NLĐ được hưởng chế độ thai sản thuộc một trong các trường hợp sau:

a) VC, NLĐ nữ mang thai;

b) VC, NLĐ nữ sinh con;

c) VC, NLĐ nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) VC, NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) VC, NLĐ nữ đặt vòng tránh thai; VC, NLĐ thực hiện các biện pháp triệt sản;

e) VC, NLĐ nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

2. Các trường hợp được quy định tại các điểm a, b, c và d nêu trên phải có thời gian đóng bảo hiểm từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi.

3. VC/NLĐ nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. VC/NLĐ nữ đủ điều kiện theo các khoản 2 và 3 mà chấm dứt HĐ hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

5. Trong thời gian mang thai, VC/NLĐ nữ được nghỉ (tính theo ngày làm việc) để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

6. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, VC/NLĐ nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa (tính cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần) như sau:

a) Thai dưới 05 tuần tuổi: 10 ngày;

b) Thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi: 20 ngày;

c) Thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi: 40 ngày;

d) Thai từ 25 tuần tuổi trở lên: 50 ngày.

6. VC, NLĐ nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp VC/NLĐ nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

7. VC/NLĐ nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

a) Vợ sinh thường: 05 ngày làm việc;

b) Vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi: 07 ngày làm việc;

c) Trường hợp vợ sinh đôi: 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật: 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

8. VC, NLĐ nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, sinh con, con chết sau khi sinh, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày sau thời gian hưởng chế độ thai sản; cụ thể như sau:

a) Sinh một lần từ hai con trở lên: Tối đa 10 ngày;

b) Sinh con phải phẫu thuật: Tối đa 07 ngày;

c) Các trường hợp khác: Tối đa 05 ngày.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

9. Trường hợp con chết sau khi sinh, VC, NLĐ nữ được nghỉ việc với thời gian cụ thể như sau:

a) Dưới 02 tháng: Được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con;

b) Con từ 02 tháng tuổi trở lên: Được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết.

Thời gian nghỉ chế độ con chết sau khi sinh không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

10. Chế độ đối với VC/NLĐ nữ khi nghỉ chế độ sinh con

a) Chế độ của Nhà nước: Mức hưởng chế độ thai sản 01 tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp VC/NLĐ nữ đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.

b) Chế độ TNTT của UEH: VC, NLĐ được hưởng 100% TNTT. Trường hợp VC, NLĐ nữa công tác tại UEH chưa đủ 06 tháng, mức hưởng là mức bình quân TNTT của các tháng đã công tác tại UEH.

c) Ngoài ra, VC/NLĐ nữ làm công tác giảng dạy được giảm trừ định mức nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động chuyên môn tương ứng thời gian nghỉ chế độ khi sinh con.

 d) VC/LĐ nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn được hưởng đủ tiền lương. VL/LĐ nữ có thể thỏa thuận với lãnh đạo đơn vị để được bố trí việc lịch nghỉ linh hoạt phù hợp điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của VC/LĐ nữ.

II. Đối tượng áp dụng: Viên chức, người lao động ký hợp đồng trực tiếp với UEH và tham gia các loại hình bảo hiểm bắt buộc tại UEH.

III. Cơ sở thực hiện:

- Bộ Luật lao động 2019;

- Luật Bảo hiểm xã hội;

 - Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07 tháng 07 năm 2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015;

- Quy chế chi tiêu nội bộ của UEH.

IV. Quy trình/Hướng dẫn:

1. Đối với chế độ nghỉ khi sinh con:

  • Bước 1: Trước khi sinh, VC/NLĐ gửi Đơn đề nghị nghỉ (https://hrm.ueh.edu.vn/cac-bieu-mau/) có phê duyệt của Lãnh đạo đơn vị và ý kiến của Ban Giám hiệu các trường thành viên và gửi Đơn về Phòng Quản trị nguồn nhân lực.
  •  Bước 2: Sau khi sinh, VC/NLĐ gửi Bản trích lục Giấy khai sinh hoặc bản chính Giấy chứng sinh về Phòng Quản trị nguồn nhân lực.
  • Bước 3: Phòng Quản trị nguồn nhân lực phối hợp Phòng Tài chính - Kế toán thực hiện chế độ đối với VC/NLĐ.

Ghi chú:

- Trường hợp con chết, hoặc mẹ chết, hồ sơ bổ sung Bản sao Giấy chứng tử của con hoặc của mẹ.

- Trường hợp con chết khi chưa có Giấy chứng sinh, VC, NLĐ bổ sung Trích lục bản sao hồ sơ bệnh án hoặc Giấy ra viện của mẹ.

- Trường hợp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trước sau thai sản, VC, NLĐ bổ sung Giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng của người mẹ phải nghỉ dưỡng thai trước khi sinh hoặc về tình trạng của người mẹ không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh.

2. Đối với các chế độ nghỉ thai sản khác:

VC/NLĐ gửi Đơn đề nghị nghỉ đính kèm các chứng từ liên quan (bản chính hoặc bản sao y có phê duyệt của Lãnh đạo đơn vị và ý kiến của Ban Giám hiệu các trường thành viên về Phòng Quản trị nguồn nhân lực.

V. Thực hiện: Vui lòng thực hiện tại đây

Bạn còn thắc mắc cần hỗ trợ, để UEH trả lời cho bạn nhé!