Danh mục

Chương trình đào tạo Quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí

Câu hỏi 1Chương trình đào tạo Quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí này có gì khác biệt?

Trả lời: Nói một cách nôm na thì Chương trình đào tạo quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tổ chức chuyến đi, Chương trình đào tạo quản trị khách sạn cung cấp dịch vụ lưu trú, còn Chương trình đào tạo Quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí giúp người học tổ chức các sự kiện và giải trí cho khách.

Chắc các bạn không xa lạ với các sự kiện như Olympic, Hội hoa xuân, Lễ hội pháo hoa, Festival biển Nha Trang, sự kiện thi đấu thể thao, các cuộc triển lãm (như triển lãm xe ô tô, thời trang, văn nghệ, du lịch…), các buổi ra mắt sản phẩm mới của doanh nghiệp… Để làm các sự kiện này, ta cần nhân lực. Mục tiêu của Quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí này là để đào tạo nguồn nhân lực đó.

Câu hỏi 2Chương trình đào tạo Quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí này có bao gồm tổ chức gameshow như trên truyền hình?

Trả lời: Có. Các hoạt động đó đều được giảng dạy trong chương trình.

Ngày nay, công nghệ gameshow mạnh đến mức, chúng chiếm hầu hết thời lượng phát hình của các đài. Không phải tự nhiên mà có, nó đến từ các thành công trong ngành đào tạo quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí.

Câu hỏi 3Chương trình đào tạo Quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí có quan trọng không?

Trả lời: Sự kiện và dịch vụ giải trí là một trong 4 thành phần của một ngành công nghiệp du lịch kinh doanh lớn hơn gọi là MICE (meeting-incentive-conference-exhibition – Hội họp-khuyến thưởng-Hội nghị-Triển lãm). Theo một nghiên cứu tại Hàn Quốc vào năm 2017, doanh thu từ một du khách đến Hàn Quốc dưới hình thức MICE mang lại gấp 1,8 lần doanh thu một khách du lịch thông thường.

Ngành sự kiện ở VN phát triển gần 15 năm nay. Tuy còn mới mẽ, sức tăng trưởng của ngành cũng như doanh thu mang lại rất đáng khích lệ. Đơn cử Hội chợ ITE HCMC 2019, tiến hành trong 3 ngày, có 270 gian hàng trưng bày từ 40 quốc gia và 30 địa phương trong cả nước, thu hút 280 doanh nghiệp đến trao đổi giao dịch và hơn 30.000 khách tham quan.

Các sự kiện lớn khác mà có thể bạn đã từng nghe:

o    Festival Huế

o    Festival biển Nha Trang

o    Lễ hội hoa Đà Lạt

o    Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng

o    Lễ hội bánh dân gian Nam bộ (Cần Thơ)

o    Triển lãm du lịch quốc tế ITE HCM

Câu hỏi 4Chương trình đào tạo Quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí học những môn gì?

Trả lời: 

Khối kiến thức về tiếp thị, phân phối, và bán sản phẩm sự kiện và dịch vụ giải trí. Khác với hai Chương trình đào tạo trên vốn phần lớn phục vụ du khách cá nhân (B2C) và một phần du khách doanh nghiệp, ngành sự kiện và dịch vụ giải trí nhắm vào khách hàng doanh nghiệp là chính (B2B). Hơn nữa, hình thức kinh doanh của ngành này mang tính chất dự án rất cao, mặc dù nó có thể diễn ra tương đối liên tục trong năm. Do vậy, các kỹ thuật tiếp thị và bán rất chuyên biệt. Đây là một trong các điểm nhấn quan trọng của chương trình đào tạo.

Khối kiến thức về tổ chức sự kiện và dịch vụ giải trí. Các môn học bao gồm quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí, quản trị đám đông, xếp hàng và quản trị năng lực, quản trị sự kiện đặc biệt…Do tính chất đa dạng của loại sự kiện, các chuyên đề khác nhau được thiết lập dưới hình thức dự án để sinh viên làm quen với các tình huống giả định và thiết lập kế hoạch thực hiện các chức năng của công tác tổ chức sự kiện.

Khối kiến thức về quản trị dự án và quản trị rủi ro sự kiện cấu thành nội dung quan trọng thứ ba của chuyên ngành. Sinh viên làm quen với đồng thời với việc quản trị tài nguyên, thời gian, tiền bạc và cả rủi ro để đảm bảo hiệu suất tốt nhất khi tạo ra kết quả của dự án. Các phương án khi tình huống xảy ra được xem xét, đánh giá và đề ra giải pháp dự phòng.

Khối kiến thức thực hành, du khảo và quan sát thực tế được thực hiện thông qua các chuyến đi thực tế, học kỳ doanh nghiệp và thực tập tốt nghiệp. Sinh viên cũng tăng cường khả năng học hỏi qua các hoạt động tự tổ chức sự kiện hoặc tham gia như một bên tổ chức của những sự kiện giao lưu văn hóa, thi đấu, hoạt động giải trí cộng đồng.

Cuối cùng là khối kiến thức nền tảng như quản trị du lịch, nhập môn sự kiện, nhập môn dịch vụ giải trí, thuật doanh nghiệp, quản trị quan hệ khách hàng, quản trị nhân sự du lịch….Sinh viên làm quen với việc thiết lập website, quản lý quan hệ khách hàng trực tuyến, sử dụng internet để phối hợp hoạt động nhóm trong các tình huống giả lập về quản trị từ xa.

Câu hỏi 5Cơ hội việc làm có nhiều không?

Trả lời: 

-       Quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí không chỉ dành cho các công ty chuyên môn hóa về lĩnh vực này mà còn cần đến cho khách sạn và công ty lữ hành. Các cuộc họp, hội thảo và hội nghị lớn thường được tổ chức trong khách sạn trong khi đó các dịch vụ giải trí, tổ chức sự kiện ngoài trời, team building… lại được các công ty lữ hành đặc biệt chú trọng khai thác. Do vậy, cơ hội việc làm của ngành quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí tương đối rộng.

-       Ngành ăn uống cũng bắt đầu lấn sân vào tổ chức sự kiện và giải trí như tổ chức tiệc cưới, sinh nhật, chúc phúc, dịch vụ liên hoan nhân ngày lễ lớn, tất niên và tân niên…Nhu cầu nhân lực tổ chức sự kiện ở lĩnh vực ẩm thực vì vậy cũng đang tăng nhanh.

-       Tại các doanh nghiệp, nhu cầu tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm, giới thiệu thương hiệu và dịch vụ mới, các hoạt động cổ động, công tác xã hội…cũng cần đến người có chuyên môn về tổ chức sự kiện và dịch vụ giải trí.

Câu hỏi 6Chương trình đào tạo Quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí này cần nam hay nữ?

Trả lời: Tuy tổ chức sự kiện đòi hỏi làm việc hiệu suất rất cao trong giai đoạn nước rút và trong sự kiện, nhân viên nam có vẻ thích hợp cho các công việc cần cường độ cao và kéo dài thời gian làm việc trong ngày. Tuy vậy, có những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chu đáo thì giới nữ lại có lợi thế. Hơn nữa, một số hoạt động giải trí thì cần rất nhiều năng lực của giới nữ. Tóm lại, ngành quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí cần cả nam lẫn nữ để có thể phối hợp tốt nhất.

Câu hỏi 7: Ngành này có được thực tập tại nước ngoài không?

Trả lời: Ngành tổ chức sự kiện và dịch vụ giải trí có đòi hỏi rất cao về khả năng giao tiếp, lên kế hoạch, tranh luận các phương án và dự phòng các rủi ro khi có tình huống sự cố. Do vậy, sinh viên được chọn cần có sự uyên bác về các năng lực trên. Cho đến nay, Khoa Du lịch vẫn đang mong chờ các ứng viên xuất sắc cho các chương trình thực tập ở nước ngoài.

Câu hỏi 8: Em đang học ở một trường khác nhưng là ngành gần với du lịch thì có thể xin chuyển trường và học Chương trình đào tạo Quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí không?

Trả lời: Rất hoan nghênh các bạn yêu thích ngành nghề thách thức và đầy tự hào này. Bạn có thể nộp đơn xét tuyển và nhà trường sẽ xem xét thành tích trong học bạ của bạn để có quyết định phù hợp. Khoa Du lịch – UEH luôn rất vui để được chào đón bạn!

Câu hỏi 9: Nếu trong quá trình học mà không kịp thi kết thúc học phần, em có được học các học phần kế tiếp?

Trả lời: Trường Đại học Kinh tế TP.HCM luôn tạo điều kiện tốt nhất cho mọi sinh viên phát huy năng lực của mình nhưng cũng đồng thời hết sức uyển chuyển để các sinh viên vì một lý do nào đó không đuổi kịp chương trình vẫn có cơ hội tiếp tục. Việc học các học phần tiếp theo mà chưa hoàn tất các học phần ở học kỳ ở học phần trước đó nếu điều kiện tiên quyết của các môn sắp học không phải là các môn mà bạn chưa thi hoặc đã thi nhưng chưa đạt yêu cầu.

 

 

 

Bạn còn thắc mắc cần hỗ trợ, để UEH trả lời cho bạn nhé!