Danh mục

Chương trình đào tạo Tài chính công

Câu hỏi 1Cho em hỏi học chương trình đào tạo Tài chính Công em sẽ học được những kiến thức gì? Ra trường, em có thể làm được những nghề nào?

Trả lời: Tài chính Công là một chương trình đào tạo trong ngành Tài chính - Ngân hàng. Chương trình này cung cấp kiến thức về Tài chính Công, Ngân sách và Tài chính Chính phủ, Phân tích Lợi ích – Chi phí trong Khu vực Công, Kế toán Tài chính Đơn vị Công, Quản lý Tài chính Đơn vị Công, Tài chính Chính quyền Địa phương, Quản lý Tài khóa và Soạn lập Ngân sách, Thẩm định và Quản lý Dự án Đầu tư Khu vực Công. Ra trường, người học có thể làm được những nghề: chuyên viên tài chính khu vực chính quyền các cấp, chuyên viên ngành tài chính, chuyên viên tài chính các cơ quan chức năng của chính quyền, quản lý tài chính đơn vị sự nghiệp công và tư, kiểm toán viên nhà nước, chuyên viên thuế, chuyên viên hải quan, chuyên viên kho bạc, thanh tra viên tài chính, quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước, … Ngoài ra, người học còn được trang bị kỹ năng luôn sẵn sàng với những thách thức và thay đổi của môi trường thực tế bằng những kiến thức, công nghệ hiện đại cập nhật thường xuyên.

Câu hỏi 2: Chương trình đào tạo Tài chính Công đòi hỏi người học phải có những tố chất nào? Nói cách khác, cần đức tính gì để có thể theo học ngành này tốt?

Trả lời: Để nắm vững kiến thức tài chính công, ngoài những phẩm chất cần có như: sự đam mê, tính năng động, tư duy hoạch định, người học có kiến thức tổng quát về xã hội, về bộ máy chính quyền, về các cơ quan hành chính và sự nghiệp công. Việc người học tự trang bị kiến thức về bộ máy nhà nước và cơ quan chức năng sẽ giúp tiếp cận chuyên ngành rất sâu và tiếp cận khu vực công nói chung sẽ tốt hơn.

Câu hỏi 3: Triển vọng nghề nghiệp và xu hướng phát triển của sinh viên sau khi tốt nghiệp Chương trình đào tạo Tài chính công là gì?

Trả lời: Như đã nói, sau khi tốt nghiệp, người học có khả năng làm được ở những vị trí như chuyên viên tài chính khu vực chính quyền các cấp, chuyên viên ngành tài chính, quản lý tài chính đơn vị sự nghiệp công và tư, kiểm toán viên nhà nước, chuyên viên thuế, chuyên viên hải quan, chuyên viên kho bạc, thanh tra viên tài chính, quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước, … Tương lai xa hơn, người học có thể sẽ giữ những vị trí then chốt trong ngành tài chính, ngành thuế, ngành hải quan, kho bạc, ngành kiểm toán, ngành thanh tra ở các đơn vị cấp quận huyện, cấp trung ương.

Câu hỏi 4: Thầy/Cô có thể cho em biết một số công việc cụ thể khi học Chương trình đào tạo Tài chính công ra trường làm những công việc gì và làm ở đâu?

Trả lời: Những công việc cụ thể ở cấp độ mới ra trường là: kế toán viên, chuyên viên tài chính ở ủy ban nhân dân các cấp, ở các cơ quan chức năng của bộ máy chính quyền các cấp, ở các đơn vị cung cấp dịch vụ công và dịch vụ tư, ở các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Câu hỏi 5: Có phải học Chương trình đào tạo Tài chính công ra trường chủ yếu chỉ làm việc trong khu vực nhà nước hay không?

Trả lời: Không phải chỉ làm việc trong khu vực nhà nước, người học còn có khả năng làm việc trong cả khu vực ngoài nhà nước nữa. Những kiến thức về soạn lập ngân sách, kiểm soát ngân sách, kế toán tài chính, phân tích tình hình tài chính, huy động tài trợ, phân tích lợi ích-chi phí, đánh giá đầu tư,… đều dùng chung được trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.

Câu hỏi 6: Chương trình đào tạo tài chính công có kết hợp với chương trình đào tạo khác để người học có song bằng không?

Trả lời: Nhằm tiết kiệm thời gian và tăng tính linh hoạt cho người học, Tài chính công được thiết kế theo hướng mở: liên kết đào tạo ngang và liên kết đào tạo dọc. Liên kết ngang tạo ra song ngành (song bằng) với những ngành gần như Tài chính Công – Luật. Liên kết dọc đáp ứng nhu cầu học lên cao ở bậc thạc sỹ và tiến sỹ tài chính công hoặc thạc sĩ, tiến sĩ ngành khác.