Chương trình đào tạo Tài chính
Câu hỏi 1: Khi vào học Chương trình đào tạo Tài chính thì đòi hỏi người học phải có những tố chất nào? Nói cách khác, cần đức tính gì để có thể theo học ngành này tốt?
Trả lời: Ngành Tài chính – ngân hàng tuyển sinh đầu vào dựa trên tổ hợp các môn toán lý hóa, tổ hợp các môn này nói lên khả năng tư duy của người học. Do vậy người học phải liên tục phát triển khả năng tư duy này trong quá trình học. Đó là điều kiện cần. Ngoài ra, bất kỳ ngành học nào đòi hỏi người học phải nỗ lực hết sức mình trong quá trình học sẽ có một tương lai tốt hơn. Lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp, các tổ chức; những quyết định sai phải trả giá rất lớn thậm chí đi đến phá sản. Do vậy người học cần:
Thứ nhất: Ngành Tài chính ngân hàng nói chung và các chuyên ngành thuộc khoa Tài chính đào tạo đòi hỏi người học phải có tư duy tốt, và các bạn thấy yêu cầu khối kiến thức mang tính tư duy khi các bạn học sinh nộp hồ sơ vào chuyên ngành này.
Thứ 2: Sự đam mê: Ngành nào cũng vậy, để có thể phát triển bản thân, để có thể thăng tiến cao trong công việc, để có thu nhập cao thì bạn cần phải làm việc hiệu quả. Công việc để hiệu quả phải có kiến thức sâu, những hiểu biết tới nơi tới chốn. Để có điều này chỉ có thể là niềm đam mê. Các thầy cô Trường đại học Kinh tế giúp bạn có được những hiểu biết ban đầu, giúp bạn tư duy tốt trong ngành tài chính ngân hàng, nhưng để phát triển điều đó thì bạn - người học cần niềm đam mê.
Thứ 3: Ngành tài chính – ngân hàng hoạt động trong một môi trường thường xuyên biến động và biến động cao nên người học đòi hỏi phải có tính năng động để thích ứng với sự thay đổi thường xuyên của thị trường. Điều này cũng là một lợi thế cho các bạn theo học, đó là công việc của bạn sau này thường xuyên được làm mới mà không bị nhàm chán.
Câu hỏi 2: Sự khác biệt giữa Tài chính, Đầu tư tài chính, Tài chính quốc tế? Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp?
Trả lời: Tài chính (hay tài chính doanh nghiệp), đầu tư tài chính, tài chính quốc tế… là những chuyên ngành chuyên sâu. Việc học chuyên sâu này để giúp người học có thể làm việc chuyên môn trong những lĩnh vực của thị trường tài chính. Nếu học về Tài chính doanh nghiệp thì người học tập trung vào các công việc hay quyết định quản trị tài chính, tiền bạc của các doanh nghiệp. Từ những quyết định xem xét việc đầu tư tiền bạc vào các hoạt động, dự án sản xuất kinh doanh đến việc tìm kiếm, huy động các nguồn tiền đáp ứng cho chiến lược kinh doanh… thì đầu tư tài chính là hoạt động của quá trình ra các quyết định quản lý tiền của những người có tiền để đầu tư vào các tài sản tài chính như chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) hay vàng bạc, đất đai… Hoạt động đầu tư tài chính đòi hỏi người học phải có những hiểu biết sâu rộng về kinh tế và thị trường tài chính để quản lý tiền một cách hiệu quả.
Với Tài chính quốc tế thì công việc đầu tư còn bao hàm cả những hoạt động đầu tư quốc tế của các công ty đa quốc gia, các định chế Tài chính - ngân hàng hoạt động trên thị trường tài chính thế giới, các nghiệp vụ thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối hay đầu tư vốn trên thị trường tài chính toàn cầu - là một hoạt động tất yếu trong nền kinh tế hội nhập. Do vậy, việc quản lý tài chính phải đặt trên bối cảnh toàn cầu, đó chính là nội dung mà chuyên ngành tài chính quốc tế hướng đến.
Do vậy, mỗi chương trình đào tạo sẽ cung cấp cho người học những nội dung chuyên sâu trong từng lĩnh vực giúp người học có khả năng thành công trong từng công việc. Chẳng hạn cũng trong một Ngân hàng, người học Tài chính (Tài chính doanh nghiệp) sẽ giúp hiểu rõ tình hình tài chính doanh nghiệp để thực hiện công việc cho vay, phát triển tín dụng và quản trị rủi ro khoản vay… Nhưng người học về đầu tư tài chính thì thích hợp trong các công việc của bộ phận nguồn vốn – nơi mà mỗi ngày ngân hàng huy động tiền gửi, ngoài đem đi cho vay thì còn phải đầu tư vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ… Đồng thời, hoạt động đầu tư này cũng có thể được thực hiện ra các thị trường tài chính thế giới - nên đòi hỏi người học phải có những hiểu biết về Tài chính quốc tế. Kiến thức về Tài chính quốc tế cũng sẽ giúp cho người học sau này có thể làm việc trong bộ phận Thanh toán quốc tế của một Ngân hàng, để thực hiện các nghiệp vụ thanh toán quốc tế trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước ra thị trường thế giới, cũng như quản lý các rủi ro phát sinh.
Nói như vậy để người học hiểu được một điều không phải cứ học Ngân hàng là làm ngân hàng, học về tài chính doanh nghiệp là làm trong các doanh nghiệp, học về Tài chính Quốc tế phải đi ra nước ngoài… Tất cả các chuyên ngành này đều tựu trung lại trong lĩnh vực tài chính. Do vậy người học phải được trang bị khối kiến thức tài chính trước khi đi sâu vào một số môn học mang tính khác biệt chuyên sâu trong từng lĩnh vực.
Câu hỏi 3: Thầy/Cô có thể cho em biết một số công việc cụ thể khi học Chương trình đào tạo Tài chính ra trường làm những công việc gì và làm ở đâu?
Trả lời: Tài chính là một chương trình đào tạo lớn trong ngành Tài chính - Ngân hàng, mỗi năm có số lượng đào tạo cao để đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Bất kỳ một doanh nghiệp có quy mô lớn nhỏ khác nhau đều phải có bộ phận quản trị tài chính. Các doanh nghiệp lớn như các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng,… với quy mô hoạt động lớn nên sẽ cần rất nhiều nhân lực để quản lý tài chính. Đó chính là nhu cầu nguồn nhân lực của ngành này. Nói rõ hơn ở đây là Ngân hàng, các công ty Bảo hiểm, các công ty quản lý quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán… là những định chế tài chính nhưng trong quá trình hoạt động luôn cần quản lý tài chính doanh nghiệp trực tiếp của chính họ, ngoài ra còn có các hoạt động liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp (như cho vay, đầu tư vào doanh nghiệp…), nên trong các định chế này cần rất nhiều nguồn nhân lực có hiểu biết về tài chính (cụ thể là tài chính doanh nghiệp). Ví dụ: Bộ phận tín dụng ngân hàng khi cấp tín dụng cho doanh nghiệp thì phải có những kiến thức hiểu biết về tài chính doanh nghiệp, Bộ phận đầu tư tài chính cũng phải am tường về tài chính doanh nghiệp để đánh giá quyết định đầu tư vốn vào doanh nghiệp đó…